Giữa tháng 12/2019, truyền thông đã bắt đầu đưa tin về loại bệnh viêm phổi cấp đang lây lan nhanh tại TP. Vũ Hán, Trung Quốc. Chỉ ít lâu sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức chỉ đạo ngành y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch.
Ngày 25/1, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên toàn cầu áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Đến ngày 5/3, Việt Nam cán mốc 25 ngày không có trường hợp mắc ca nhiễm mới, thành công trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên.
Ngày 6/3 là ngày Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của dịch bệnh. Sau gần 2 tháng áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt, đến cuối tháng 4, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên công bố kiểm soát thành công dịch bệnh.
Kết thúc năm 2020 cũng là lúc thế giới và Việt Nam đã trải qua hơn 300 ngày đối mặt với vô số thách thức. Trong cuộc chiến chống Covid-19, Việt Nam nổi lên như một kỳ tích khi là một trong số ít nước kiểm soát thành công dịch bệnh nhanh chóng, quay về các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường.
Với kết quả này, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% lên 319 tỷ USD, thăng hạng 9 bậc trong bảng xếp hạng thương hiệu quốc gia của Brand Finance.
Kết thúc năm 2020, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn chung đã được khắc họa rõ nét. Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi, điển hình như các động lực tăng trưởng chính đã cơ bản vận hành trở lại.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3/2020 đạt 2,62%. Đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2020 ước tính đạt 25,14 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước;
Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã đưa ra các dự báo tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam. Điển hình, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 2,3% trong năm 2020. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2,8%.
Tháng 11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 2,4%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Điểm chung của các dự báo là triển vọng tăng trưởng tích cực vượt trội của Việt Nam so với phần còn lại của thế giới, cũng như đồ thị hồi phục hình chữ V trong năm 2021 với tốc độ từ 6-8%.
"Trong đại dịch Covid-19, công nghệ thông tin dường như có thêm động lực để phát triển nhanh hơn, gắn sát hơn với cuộc sống thực tiễn".
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm thế giới số diễn ra vào ngày 20/10/2020.
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng vào nền kinh tế, nhưng ở một góc độ khác, chính đại dịch Covid-19 lại đang thúc đẩy sự chuyển dịch số nhanh hơn bao giờ hết.
Ngày 3/6/2020 Thủ Tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030 và coi năm 2020 là Năm chuyển đổi số quốc gia.
Trong năm 2020, Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc số hoá hoạt động của các cơ quan Chính phủ, số hoá y tế, giáo dục… cũng như các dịch vụ số của doanh nghiệp. Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới sẽ cao thứ hai khu vực (29%), chỉ sau Philippines (30%).
Giữa đại dịch Covid-19, dù chuỗi cung ứng trên toàn thế giới bị gián đoạn, Việt Nam vẫn tích cực ký kết các hiệp định thương mại. Trong năm 2020, Ủy ban Thương mại châu Âu và Quốc hội Việt Nam đều đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA. Hai văn kiện quan trọng này được coi như "tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại" nối gần hơn nữa EU và Việt Nam.
Giữa tháng 11/2020, Việt Nam tiếp tục là một trong số 15 thành viên ký kết hiệp định RCEP - một hiệp định với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019).
Lợi ích về thị trường, đầu tư từ các "cao tốc" này có thể thấy rõ. Tuy nhiên, việc tham gia hiệp định thương mại cũng đặt ra rất nhiều thách thức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.
Xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam của các tập đoàn lớn trên thế giới đã diễn ra từ vài năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình này đã tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết trong năm 2020, với tác động quan trọng của đại dịch Covid-19.
Tháng 3/2020, Samsung Việt Nam chính thức công bố về việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội.
Vào tháng 9, Tập đoàn Pegatron - đối tác của Apple, Microsoft chính thức xác nhận đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam, cụ thể là khu công nghiệp Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng.