Dự báo về nguồn cung bất động sản giai đoạn cuối năm, CBRE Việt Nam cũng cho biết, nguồn cung bất động sản toàn thị trường sẽ khó cải thiện. So với khu vực phía tây hay nam TP. HCM, khu vực quận 9 cũ, nay là TP. Thủ Đức, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc phía đông TP. HCM vẫn là địa bàn dồi dào nguồn cung bất động sản mới hơn.
Trước đó, CBRE cho biết sau 3 năm khan hiếm, nguồn cung sản phẩm vào cả Hà Nội và TP. HCM đều sẽ rất dồi dào. Từ nay đến năm 2025, các chủ đầu tư sẽ tung ra thị trường những dự án mới mà họ đã chào bán. Giá sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá cao. Chẳng hạn, giá trung bình căn hộ ở TP. HCM hiện là 58 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2024 chỉ khoảng 62 triệu/m2, tương ứng mức tăng trưởng 4%. Tại Hà Nội, mức tăng có thể cao hơn, khoảng 8%.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, cuối năm, 80% nguồn cung bất động sản tập trung tại khu vực phía đông TP. HCM. Trong đó, thị trường đang chứng kiến những biến động về nguồn cung. Sản phẩm giá tầm trung ngày càng ít đi còn phân khúc cao cấp, hạng sang lại tăng cao.
"Nguồn cung bất động sản tại TP. HCM và cả vùng phụ cận tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp, hạng sang. Có những dự án trước đây thuộc phân trung cấp đã dịch chuyển về vùng giá cao cấp; sự tăng giá nhanh đã khiến căn hộ, nhà phố, biệt thự thiết lập mặt bằng giá mới những năm qua", ông Kiệt nhấn mạnh.
Nói về giai đoạn cuối năm, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, xu hướng nguồn cung không cải thiện sẽ rất rõ nét. Số lượng dự án ra thị trường chỉ ở mức tương đương với giai đoạn đầu năm 2022. Theo đó, mức giá sẽ tiếp tục biến động ở hầu hết các phân khu do nguồn cung khan hiếm.
TS. Khương nhận định, nguồn cung bất động sản tại TP. HCM vẫn tập trung chủ yếu về khu vực phía đông - nơi vốn dồi dào sản phẩm nhà ở từ trước đến nay. Cụ thể, nguồn cung sẽ tập trung tại khu vực quận 9 cũ và mở rộng nguồn cung ra các khu vực giáp ranh phía đông như Đồng Nai, Bình Dương.
"Các điểm nghẽn pháp lý có mối quan hệ mật thiết với nguồn cung bất động sản. Khi điểm nghẽn này được tháo bỏ, thị trường mới có cơ hội ghi nhận nhiều nguồn cung mới. Ngược lại, nếu điểm nghẽn pháp lý vẫn tiếp tục duy trì, nguồn cung bất động sản tiếp tục hạn chế", ông Khương nói.