Vốn là huyện đóng góp ngân sách cao nhất nước, Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang sẵn nội lực để trở thành đô thị loại II trước năm 2023.
Nếu như năm 2000 tổng thu ngân sách của huyện này gần 31,2 tỷ đồng thì đến năm 2022 con số này đã đạt 1.185 tỷ đồng, trong đó, đóng góp của khu vực doanh nghiệp FDI là khoảng 378 triệu USD. Kể từ khi được thành lập vào năm 1994, GRDP Nhơn Trạch liên tục tăng nhanh. Kết quả này có được là nhờ khu vực công nghiệp luôn giữ tốc độ tăng trưởng cao.
Huyện Nhơn Trạch cũng là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp thuộc hàng đầu của tỉnh Đồng Nai. Với ba khu công nghiệp lúc khởi đầu vào năm 1997, đến nay sau hơn 25 năm, huyện Nhơn Trạch đã có tổng cộng 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Đến nay, công nghiệp tại Nhơn Trạch tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị sản xuất tăng bình quân đạt 17,1% năm. Toàn huyện có 300/515 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 120 ngàn lao động.
Nhơn Trạch đã có lộ trình lên Thành phố vào năm 2030.
Ngoài phát triển công nghiệp, cảng biển là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế. Trong số ba khu bến cảng biển trên địa bàn Đồng Nai, Nhơn Trạch có đến hai khu bến cảng biển. Huyện này cũng là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.
Ngoài công nghiêp, cảng biển thì hạ tầng giao thông đang là lực đẩy lớn cho thị trường bất động sản khu vực này.
Tp.Nhơn Trạch được đánh giá có điểm mạnh về kết nối giao thông với các tuyến giao thông đối ngoại liên kết trực tiếp như: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 Tp.HCM, đường 25C nối dài và đường liên cảng. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng đô thị hóa của Tp.HCM và có quỹ đất thuận lợi cho phát triển đô thị lớn.
Đồng Nai là một trong bốn địa phương dự án đường Vành đai 3 Tp.HCM đi qua, cùng với Tp.HCM, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài gần 90 km. Trong đó, dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km; gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM.