Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Quy hoạch cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện triển khai hoạt động quy hoạch thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, qua gần 5 năm triển khai Luật Quy hoạch, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu tháo gỡ, cụ thể như sau:
Về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn: Điều 5 của Luật Quy hoạch quy định "Quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia". Tuy nhiên, do đặc thù quản lý ngành, theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch đô thị được lập theo loại đô thị và có 3 cấp độ chi tiết là quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; quy hoạch nông thôn lại có 2 cấp độ chi tiết là quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Vì vậy, mặc dù đã có quy định về mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn với các quy hoạch khác thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng quy định tại Điều 5 của Luật Quy hoạch vẫn chưa thể xác định rõ 2 loại quy hoạch nói trên thuộc cấp nào trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Đồng thời, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có đầy đủ những đặc điểm của quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành (theo quy định của pháp luật chuyên ngành và cụ thể hoá quy hoạch tỉnh) nhưng lại không được quy định tại Phụ lục 2 của Luật Quy hoạch.
Về thẩm quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh: Điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Quy hoạch quy định Thủ tướng Chính phủ tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh; trong khi đó khoản 2 Điều 29 Luật Quy hoạch quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch để thẩm định quy hoạch tỉnh. Như vậy, chưa có sự đồng bộ về thẩm quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và thẩm quyền thẩm định quy hoạch tỉnh.
Về lấy ý kiến về quy hoạch: Khoản 1 Điều 19 Luật Quy định cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch. Tuy nhiên một số quy hoạch có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước. Như vậy, quy định này chưa đồng bộ với với Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…
Do vậy, việc sửa đổi Luật Quy hoạch là thực sự cần thiết nhằm hoàn thiện nội dung, phương pháp lập quy hoạch để khơi thông mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh.